Bạn đã bao giờ:
► Thấy đầu mình đầy những hình ảnh tuyệt đẹp mà không cách nào vẽ lại được trên máy?
► Không thể nói nổi bạn designer để làm ra cái ảnh đúng ý mình?
Hay là bạn:
► Không biết làm sao để biến ý tưởng thành sản phẩm đồ họa?
► Và không biết truyền tải những thông điệp của mình hiệu quả qua hình ảnh như thế nào?
Vậy thì bạn đang thiếu một yếu tố cực kì quan trọng của một designer thành công – TƯ DUY THIẾT KẾ
1. Tư duy thiết kế đồ họa (designer mindset) là gì?
Thế giới đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy về thiết kế đồ họa. Google thay đổi font chữ trong thiết kế logo vào tháng 9/2015, Bing đổi màu logo từ vàng sang xanh lá, và mới đây, McKinsey mua lại công ty thiết kế Lunar, IBM chi hàng trăm triệu USD đầu tư cho khâu thiết kế và xây dựng trải nghiệm người dùng, thêm vào đó là vô số các công ty đang đua nhau thu hút các nhà thiết kế tài năng, có vẻ như giới kinh doanh đang nỗ lực tìm sự kết nối với lĩnh vực thiết kế.
Chuyện gì đang diễn ra?
Ngoài việc chỉ tập trung vào việc thiết kế và phát triển nhận dạng thương hiệu cũng như bao bì, các công ty đang nghiêm túc nghiên cứu lại vai trò của thiết kế, cách thức tư duy và những giải pháp - thử nghiệm, sáng tạo và quan trọng nhất là tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm được định vị phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng.
Bạn cần ví dụ cho điều này?
Để tạo ra thiết kế bao bì cho sản phẩm nước hoa cho phụ nữ, Bond Packaging – một agency thiết kế bao bì tại Việt Nam đã phải khảo sát và nghiên cứu tâm lý phụ nữ Pháp trong phân khúc khách hàng mà sản phẩm hướng tới. Sản phẩm nước hoa Wonderful Women được thiết kế từ cảm xúc lắng đọng và tinh tế của người phụ nữ, cũng là khi họ cảm nhận mùi nước hoa từ cơ thể mình và thêm yêu bản thân, tự tin trong cuộc sống. Sự chuyển màu mong manh, font chữ nhẹ nhàng, họa tiết lấy cảm hứng từ các loài hoa tạo nên không gian thư giãn và giàu cảm xúc cho người sử dụng.
Giám đốc thiết kế của PepsiCo, Mauro Porcini, nhận định trong một buổi phỏng vấn với tạp chí HBR, "Thiết kế không chỉ thể hiện ở tính thẩm mỹ và hiện vật gắn kết với sản phẩm; nó còn phải có chức năng chiến lược định hướng vào nhu cầu, mong muốn và mơ ước của khách hàng”. Sản phẩm của bạn, ấn phẩm của bạn đang muốn nói gì với người xem?
Steve Job đã từng nói: “Design is how it works”. Có nghĩa là việc thiết kế hay tạo ra một thứ gì đó đều phục vụ cho việc thực hiện những mục đích của người sáng tạo, hay nói cách khác. Một thiết kế tốt là một thiết kế hiệu quả.
Thiết kế đồ họa cũng là một phần trong đó. Tư duy thiết kế bắt nguồn từ việc tạo ra một tác phẩm đồ họa đúng ý và hiệu quả, giải quyết và thỏa mãn nhu cầu khách hàng, tạo ra cảm xúc và phản hồi từ phía người xem.
Nói cách khác, tư duy của một designer bắt đầu từ việc hữu hình hóa những ý tưởng trong đầu mình và tối ưu hóa những ấn phẩm đó cho mục đích truyền tải hiệu quả đến người xem. Đối với một marketer, đó là việc bạn tạo ra một poster “ăn tiền” có thể truyền tải thành công những thông điệp truyền thông bạn muốn gửi gắm. Tư duy thiết kế chính là việc tạo ra những ấn phẩm đặt khách hàng làm trung tâm.
2. Rèn luyện tư duy thiết kế làm gì?
Nhiều bạn trẻ tâm sự với Ambius, họ có thể nắm được, mò mẫm được cách sử dụng công cụ thực hành, nhưng họ không cách nào biến những ý tưởng trong đầu họ thành hình ảnh đẹp và rõ nét được. Chúng tôi gọi đó là sự khó khăn trong tư duy hình ảnh.
Lại có những marketers, hay những bạn trẻ đang làm truyền thông cho các câu lạc bộ sinh viên, chán nản kể với Ambius về những cuộc tranh cãi bất tận với designer về cái gì gọi là “đẹp”, cái gì gọi là “chất”, hay cái gì gọi là “hiệu quả” trong một ấn phẩm đồ họa.
Một tư duy thiết kế của một designer không thể giúp bạn giải quyết hoàn toàn tất cả các vấn đề, nhưng chắc chắn nó giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
3. Vậy điều gì cần thiết để rèn luyện tư duy thiết kế?
· Luôn sẵn sàng học hỏi
Dù bạn là ai, bạn giỏi thế nào, bạn có gì, thì việc học tập hay rèn luyện một thứ mới luôn đòi hỏi sự sẵn sàng từ chính bản thân bạn.
· Một định hướng bài bản
Một khởi đầu tốt thường đem lại những kết quả tốt. Với những định hướng cơ bản tốt, bạn sẽ dễ dàng nắm được những nguyên lý của quy trình thiết kế đồ họa và dần hình thành những lối đi tư duy giúp việc tạo ra các ấn phẩm dễ dàng và thuận lợi hơn.
· Và một sự yêu thích hứng thú với thiết kế đồ họa
Sự hứng thú yêu thích chính là chìa khóa cho những nỗ lực học hỏi của bạn. Hãy để nó thúc đẩy sự cố gắng của bạn.
Còn rất nhiều yếu tố nữa giúp cho bạn trở thành một phiên bản designer hoàn hảo hơn. Nhưng chúng tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất chính là sự chủ động của chính bạn.
Nếu bạn không thế ngừng nghĩ về điều gì, hãy thực hiện nó, rèn luyện và làm chủ nó!
Sưu tầm bởi Haleisme.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét